Hướng dẫn cách nuôi dưỡng heo nái đạt năng suất cao

Chăm sóc và nuôi dưỡng heo nái có vai trò quan trong trong việc quyết định năng suất sinh sản và chăn nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần chú ý đến việc chăm sóc heo nái ngay từ giai đoạn chọn giống.

I. GIAI ĐOẠN NUÔI HẬU BỊ VÀ CHUẨN BỊ PHỐI GIỐNG :
Nuôi dưỡng heo cái ở giai đoạn này cần cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng ; tuy nhiên, không cho ăn tự do ; nhất là thức ăn chứa nhiều chất bột đường mà cần định lượng thức ăn và theo dõi kiểm tra thường xuyên mức tăng trọng để tăng, giảm lượng thức ăn sao cho heo tăng trọng sát với tiêu chuẩn của giống, tránh quá mập hoặc quá gầy. Về nguyên tắc, cần tránh heo bị mập mỡ sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng động dục, đậu thái, mang thai và cho sữa sau này. Thông thường, chỉ khi đến 2 tuần trước khi cho phối giống thì tăng dần thức ăn ; trong đó, tăng tỷ lệ thức ăn chứa nhiều đạm, sinh tố và khoáng.
Thời điểm động dục (lên giống) của cái tơ lần đầu tiên vào lúc 7 – 8 tháng tuổi (heo ngoại, heo lai). Tuy nhiên, nên bỏ qua “nước đầu” mà chỉ nên phối ở lần động dục thứ 2 hoặc thứ 3 khi trọng lượng heo đạt từ 110 – 115 kg trở lên.
Chu kỳ lên giống của heo nái trung bình là 21 ngày (dao động từ 19 – 22 ngày). Khi heo bắt đầu động dục có biểu hiện giảm ăn, ít nằm, không yên, hoa khế nở đỏ, ấn tay trên lưng phần sau nái đứng yên, vểnh tai (chịu nọc) ; tuy nhiên, thời điểm này chưa nên phối giống mà chờ vào ngày thứ 3, 4 khi hoa khế teo lại, rỉ nước nhờn thì mới là lúc phối giống thích hợp (phủ trực tiếp hoặc gieo tinh nhân tạo). Nên phối vào lúc sáng sớm hay chiều mát, hoặc phối cả 2 lần sẽ cho kết quả tốt hơn.
Đối với heo nái đã đẻ thì bình thường 3 – 5 ngày sau khi lẻ bầy sẽ động dục trở lại ; tuy nhiên, nếu nuôi dưỡng kém, heo nái suy yếu nhiều thì sẽ động dục trể hơn. Ngược lại, một số heo nái động dục rất sớm trong lúc còn đang nuôi con, nhưng thường biểu hiện động dục lúc này luôn ngắn, không rõ ràng nên không cho phối giống.
Trước khi phủ nọc khoảng 15 – 20 ngày cần tiêm phòng đầy đủ cho nái các loại vắc – xin phòng các bệnh truyền nhiễm chính.


II. GIAI ĐOẠN MANG THAI :
Thời gian mang thai của heo nái là 114 ngày (dao động từ 1 đến 4 ngày), nái tơ thường đẻ sớm hơn. Sau khi phủ nọc, nếu đã đậu thai, một số nái vẫn có biểu hiện động dục ở chu kỳ sau nhưng không rõ ràng mà thường chỉ kéo dài 1 – 2 ngày, không bỏ ăn và cũng không chịu nọc. Hiện tượng này được gọi là “nhớ con nước”. Cần theo dõi để xác định chắc chắn heo đã mang thai hay không.
Heo nái mang thai cần được nuôi trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, tránh di chuyển hay gây kích động mạnh. Nếu nái có điều kiện vận động nhẹ và thường xuyên thì rất tốt cho việc dưỡng thai và sinh con sau này ; tuy nhiên, trong vòng 28 ngày đầu của thai kỳ không nên di chuyển heo.
Chú ý trong khẩu phần ăn của nái mang thai cần đầy đủ và cân đối các chất đạm, vôi, lân và sinh tố. Trước khi sanh khoảng 3 ngày, cho giảm loại thức ăn chứa nhiều đạm và bột đường, có thể cho ăn thêm rau xanh và nên chia bữa ăn ra làm 4 – 5 lần trong ngày. Khi thấy vú đã căng, vắt ra sữa non thì cần lau rửa chuồng thường xuyên cho heo và chuẩn bị chuồng đẻ đã được sát trùng kỹ lưỡng.
Về mặt kinh tế, thông thường một lứa heo đẻ trên 9 con thì mới có lãi ; do đó, nếu qua 1 hoặc 2 lứa đẻ mà thấy số con mỗi lứa quá thấp hoặc nái nuôi con kém, tỷ lệ nuôi sống đến lẻ bầy thấp thì nên loại thải. Heo thường cho kết quả sinh sản tốt nhất ở độ tuổi 2 – 4. Từ 5 tuổi trở đi, sức sinh sản giảm dần và một số nái sinh tật dữ nên loại thải lúc này là phù hợp.
III. GIAI ĐOẠN SINH CON :
Trước khi heo đẻ, cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như : khăn, bột lăn, giẻ sạch, cồn iốt, chỉ, kéo, kềm bấm răng… đã sát trùng ; ngoài ra cần chuẩn bị trước thuốc giục đẻ, dây, xà – bông, dầu bôi trơn … để xử lý kịp thời trường hợp đẻ chậm, đẻ khó. Về chuồng trại, trước đó cần được vệ sinh, sát trùng và làm ngăn úm heo con có lót rơm hay lá chuối khô sạch. Cho thắp bóng đèn tròn trong ngăn úm trước khi nái sanh 1 – 2 giờ để tạo sẳn môi trường ấm khi đưa heo con vào.
Vào thời điểm chuyển bụng, heo nái có biểu hiện không yên, đi lại nhiều, tiêu tiểu liên tục, ủi máng, cắn phá chuồng, … Sau khi vỡ nước ối, rồi đến khi phân xu chảy ra là bắt đầu đẻ, chậm nhất là 30 phút sau đó. Thường heo nái đẻ hết con trong vòng vài giờ, trung bình 15 – 30 phút có một con lọt lòng; tuy vậy, khi nái rặn yếu, có thể cần 8 – 10 giờ mới đẻ xong. Phần nhau thai ra sau cùng, cần kiểm tra kỹ số heo con được đẻ ra và lá nhau để có thể xác định có sót nhau hay không.
Lúc heo đẻ, cần thao tác xoa bóp, vuốt bụng giúp nái rặn con, không tập trung nhiều người gây ồn ào. Bình thường cứ để nái đẻ tự nhiên, không can thiệp. Chỉ khi nái đẻ chậm thì lúc đã đẻ được 5 – 6 con có thể tiêm thuốc giục đẻ (như Oxytocin). Sau khi nái đẻ xong, dọn bỏ giẻ, rơm dơ, thay rơm mới, dùng nước ấm rửa vú, âm hộ và phần mông xung quanh.
Cho nái uống thật đầy đủ nước sạch. Trong 1 – 2 ngày đầu chỉ nên cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu ở dạng lỏng. Cần quan sát thật kỹ biểu hiện của nái sau khi đẻ bằng cách đo thân nhiệt, quan sát tình trạng ăn uống, đối xử với con … để có thể phát hiện sớm các biểu hiện bất thường hầu can thiệp kịp thời.
Heo con vừa lọt lòng, dùng khăn lau nhớt toàn thân, móc sạch nhớt trong mũi, miệng. Trường hợp heo con bị ngạt, cần hút ngay nhớt trong mũi, dốc ngược heo rồi vỗ nhẹ đều vào thân để kích thích huyết quản lưu thông. Dùng chỉ gút rốn độ 2 – 3 phân cách thành bụng, cắt cách chỗ cột 1 phân, nhúng chỗ cắt vào lọ cồn i-ốt, lặp lại thao tác sát trùng rốn trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần. Trong trường hợp đẻ khó và đã dùng các loại thuốc giục đẻ như Oxytocin thì thuốc có thể gây phản ứng mất máu một ít trên heo con, nên ngay sau khi vừa lọt lòng cần buộc ngay cuống rún rồi mới thực hiện tiếp các khâu khác.
Khi cắt răng heo con nên cắt 8 cái và cắt sát nướu ; sau khi cắt răng đưa ngay vào ngăn úm, khoảng 5 – 10 phút sau cho những con đẻ trước trở lại bú sữa mẹ lúc mẹ vẫn còn đang đẻ tiếp. Mục đích cho bú sớm để heo con lấy được sữa đầu giàu chất dinh dưỡng và có kháng thể phòng bệnh ; đồng thời, giúp heo mẹ quen cảm giác cho con bú và kích thích heo mẹ tiếp tục rặn đẻ.
Cần giữ ấm cho heo con trong vòng 7 đến 10 ngày. Thời gian này nên tập cho heo con bú theo từng đợt và đồng loạt, ngày đầu tiên cho heo bú mỗi giờ một lần, những ngày kế tiếp giảm xuống còn khoảng 8 – 10 cữ vào ban ngày cách nhau 1 – 2 giờ, ban đêm 4 – 6 cữ cách khoảng 2 – 3 giờ. Thường heo con bú trong vòng 5 – 10 phút là đủ, nên theo dõi để bắt heo con đưa trở lại ngăn úm. Các vú phần thân trước của heo mẹ thường cho nhiều sữa hơn các vú ở phần thân sau ; do đó, nên đưa các heo nhỏ, yếu được bú các vú phía trước; ngoài ra, để tránh tình trạng heo con bú không đều nên chú ý nâng đổi tư thế nằm của heo nái.
Sau giai đoạn đầu cần giữ ấm cho heo con trong ô úm thì sang các ngày sau vẫn nên duy trì ô chuồng riêng của heo con để thực hiện cách cho bú định kỳ, đồng loạt cả bầy. Cách làm nầy tốt hơn là cho bú tự do và thuận tiện khi tập cho heo con ăn sớm.
Sữa heo mẹ có xu hướng giảm dần từ tuần lễ thứ 3 trở đi ; vì vậy, cần tập cho heo con ăn từ ngày thứ 7 – 10 bằng các loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho heo con tập ăn. Thời gian cho cai sữa thích hợp là lúc heo con được 28 – 30 ngày tuổi ; lúc này heo con đạt trọng lượng tối thiểu là 5,5 kg. Ngoài ra, để phòng các trường hợp heo con hay bị tiêu chảy lúc cai sữa, nên hạn chế bớt lượng thức ăn trong 3 ngày đầu sau khi cai sữa và chia ra nhiều bữa ăn trong ngày, nên bổ sung vào thức ăn các loại premix có chứa khoáng, vitamin và kháng sinh phòng bệnh.
Đối với heo đực, cần thiến càng sớm càng tốt. Trong điều kiện chăn nuôi gia đình nên thiến lúc 7 – 10 ngày tuổi (có thể thiến lúc 3 ngày tuổi) ; không nên thiến quá trễ, quá cận với ngày cai sữa để tránh gây sốc cho heo con.
Nhằm khai thác cao nhất hiệu quả nuôi heo nái cần chú ý nuôi dưỡng thật đầy đủ lúc nái nuôi con ; đồng thời cho cai sữa sớm để heo mẹ mau hồi phục. Trước thời điểm cai sữa 3 – 5 ngày thì giảm dần lượng thức ăn của heo mẹ để giảm lượng sữa. Vào ngày dứt sữa hoàn toàn nên chuyển heo mẹ sang chuồng khác, heo con giữ lại chuồng cũ ít nhất 7 ngày rồi mới chuyển sang chuồng mới nuôi thịt hoặc hậu bị. Sau khi cai sữa vẫn tiếp tục cho heo con ăn thức ăn tập ăn đến khi đạt trọng lượng 15 – 20 kg rồi mới chuyển dần sang thức ăn cho heo hậu bị nếu giữ lại làm giống hoặc thức ăn nuôi thịt nếu nuôi thương phẩm.

ST