Tình trạng thận bị tổn thương khẩn cấp trên gà đẻ

Tổn thương thận (sỏi thận) là căn bệnh thoái hóa thận bao gồm việc hình thành các hạt sỏi trong niệu quản của gà mái đẻ.

Căn bệnh này có thể do rất nhiều nguyên nhân (chế độ ăn có hàm lượng canxi cao, phospho thấp, IB “hướng thận”). Các tổn thương tại thận và gout nội quan là một trong những nguyên nhân phổ biến được chẩn đoán gây ra tỷ lệ chết trên gia cầm. Thận tham gia vào rất nhiều vai trò cần thiết trong cơ thể, do vậy khi thận bị rối loạn chức năng chắc chắn sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề.

Sỏi niệu quản được định nghĩa là căn bệnh thoái hóa thận trên gà hậu bị và gà đẻ liên quan đến sự khoáng hóa các cầu thận, dẫn đến việc tắc nghẽn các ống dẫn tiểu do hình thành sỏi và teo tại các vị trí bị tắc nghẽn đó kết hợp với sự phì đại ở những phần không bị tổn thương trong thận. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều nguyên nhân và thường xuyên thấy ở gà mái, gây ra tăng tỷ lệ chết và giảm năng suất trứng. Nguyên nhân chết là do bị ure-huyết khi các chức năng của thận (functional kidney mass) không đủ để duy trì hoạt động trao đổi chất bình thường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng phổ biến nhất là mất nước, mào nhợt nhạt và ủ rũ, mệt mỏi. Trong một vài trường hợp, gà đẻ bị hao gầy với triệu chứng teo cơ ức và chân. Một vài cá thể thấy rõ ràng chân bị sưng, đỏ. Tỷ lệ chết cao thường xuyên quan sát được từ 19-35 tuần tuổi. Tổng tỷ lệ chết có thể từ 2-50% và chủ yếu liên quan đến việc teo thận nghiêm trọng và tắc nghẽn các ống dẫn niệu. Các hạt sỏi lớn dần và lấp đầy toàn bộ ống dẫn niệu gây ra hiện tượng tắc hoàn toàn thận và thoái hóa.

Rất nhiều gà bị teo nghiêm trọng hoặc phì đại bất thường ở các thùy thận ở một hoặc cả hai bên thận 

Các ống dẫn niệu bị phì đại rõ rệt do tích sỏi trắng ở trong

Cuối cùng, chỉ có ống dẫn niệu sưng với dịch và cuối là một viên sỏi lớn (có thể dài đến 5 cm). Phía bên thận không bị tổn thương bị phì đại lớn lên. Gà có thể sống và duy trì sản xuất miễn là 2 trong 6 phần tại thận vẫn duy trì chức năng. Sự tắc nghẽn niệu quản do sỏi và teo thận dẫn đến tình trạng sự phì đại lan rộng và màu thận nhợt nhạt. Khớp cẳng chân của gà bị ảnh hưởng bởi bệnh gout; gà bị lắng đọng acid uric trong khắp các nội quan, màng bụng và các mô dưới da.

Nguyên nhân gây tổn thương thận

Tổn thương thận bị gây ra do các tương tác sinh lý bệnh giữa các yếu tố sau:

  • Khẩu phần ăn thừa canxi – thiếu phospho: Canxi và phospho liên kết rất chặt chẽ với nhau và sự thiếu hoặc thừa một trong hai yếu tố có thể cản trở sự hấp thu và sử dụng đúng cách của chất còn lại. Khi sự cân bằng hai nguyên tố khoáng này trong khẩu phần ăn bị xáo trộn sẽ dẫn đến rất nhiều các tình trạng bệnh lý khác nhau bao gồm rối loạn chức năng thận và mắc bệnh Gout. Sự kết hợp của khẩu phần ăn có hàm lượng canxi cao và phospho thấp (phospho khả dụng) trong suốt sự phát triển của gà hậu bị sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương thận (sỏi) trên cả gà hậu bị và gà đẻ tuy nhiên trong giai đoạn hậu bị các tổn thương này không được biểu hiện ra ngoài.
  • Chủng virus IB gây tổn thương trên thận: trên thực tế đã phân lập được rất nhiều trong các ổ dịch sỏi niệu, tổn thương thận. IBV có thể gây tổn thương tại thận mà không nhất thiết có dấu hiệu hô hấp hoặc các vấn đề về vỏ trứng, nó sẽ không gây ra sỏi trong quá trình phát triển của gà hậu bị nhưng lại gây sỏi khi gà hậu bị được cho ăn với chế độ ăn quá giàu canxi
  • Thiếu nước: nguyên nhân này bị nghi ngờ trên đàn gà thương phẩm, có thể gây ra sỏi thận khi dòng chất lỏng chảy qua thận bị giảm

Sử dụng khẩu phần ăn chứa acidifiers để điều trị sỏi thận

Khẩu phần ăn được bổ sung “acidifiers” (ammonium chloride, ammonium sulphate) rất hữu hiệu để giảm pH trong nước tiểu và phòng hình thành sỏi trong thận, điều này cũng giúp làm tăng lượng nước tiêu thụ, lưu lượng nước tiểu và độ ẩm của phân. Khẩu phần ăn bổ sung 0.5% ammonium sulphate sẽ là lựa chọn điều trị để giải quyết sự tồn tại của sỏi và phòng sự hình thành sỏi mới từ kinh nghiệm giải quyết trong các ổ dịch sỏi thận. Điều trị cần tiếp tục duy trì trong suốt phần đời sản xuất còn lại của gà. Nếu không, sỏi sẽ bắt đầu hình thành lại lần nữa và phá hủy thận.

Điều trị:

  1. Sử dụng các acidifier:
  • Dấm (acid acetic): 1-2 ml/lít nước trong ít nhất 24 giờ
  • Potassium chloride: 1 g/lít nước uống trong 7 ngày
  • Ammonium chloride: 2,5 kg/tấn thức ăn trong 7 ngày
  • Ammonium sulphate: 2,5 kg/tấn thức ăn trong 7 ngày
  1. Đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin A, D3, K và vitamin nhóm B
  2. Tránh sử dụng quá nhiều sodium bicarbonate tức là hơn 2 kg/tấn thức ăn
  3. Sử dụng điện giải trong nước giúp hỗ trợ kiểm soát tỷ lệ chết
  4. Cung cấp thêm ngô trong ít nhất 3 ngày

Nguồn: thepoultryworld