Phòng, trị bệnh viêm móng trên bò sữa

Viêm móng là một bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò sữa. Bệnh không gây tử vong, nhưng làm giảm năng suất, sản lượng sữa và hiệu quả kinh tế.
Nguyên nhân
Móng chân của bò sữa bị bào mòn liên tục vì ở nước ta, đa số bò sữa được nuôi nhốt thường xuyên ở trong chuồng nền bằng xi măng hoặc bê tông nhám. Cùng với đó, nền chuồng luôn bị ẩm ướt, có nhiều chỗ bị đọng nước khiến móng chân của bò bị mềm, chỗ nối giữa lớp da với thành móng dễ bị nứt, khe giữa hai móng bị viêm, phân nhét vào kẽ nứt này hoặc kẽ giữa hai móng chân. Đây là cơ hội tốt cho vi khuẩn trong phân bám trên nền chuồng, nhất là các vi khuẩn yếm khí gây viêm móng và hình thành ổ viêm có mủ. Ngoài ra, nếu thức ăn hay sữa rơi nhiều trên nền chuồng cũng là nguyên nhân tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại cho bò.
Triệu chứng
Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh như: Hai chân trước xoạc ra hai bên khi nhìn từ phía trước; bò có dáng đi khập khiễng, các chân bị đau thẳng đơ không gấp lại khi bước đi, sống lưng cong lên. Do chân bị đau nên bò bệnh ít đi lại, thích nằm; móng chân dài ra và bị vênh giống như càng cua; xương ngón chân thứ 3 của chân trước bị biến dạng, không có gờ móng; đế móng chân bị lõm đều, quan sát rõ ở giữa đế móng, thành móng bị nhô ra.

viem-mong-bo

Bệnh viêm móng ở bò gây thiệt hại kinh tế lớn     Ảnh: ST

Phòng bệnh

Chuồng trại: Khi thiết kế, cần lưu ý nền chuồng phải có độ dốc 3 – 5% hướng ra hai bên nền đất xung quanh; tráng xi măng ở những chỗ nền bị lõm, đọng nước, nhất là chỗ bò đứng. Chuồng cần sử dụng đệm lót cao su chỗ bò nằm hoặc xây chuồng theo kiểu đi lại tự do, có chỗ ăn riêng, chỗ vắt sữa riêng, chỗ nằm riêng. Dùng cát hoặc mùn cưa đổ vào khu vực dành cho bò nằm nhằm làm giảm bớt thời gian bò phải đứng trên nền xi măng cứng.
Trong chuồng cần trang bị thêm hệ thống quạt trong chuồng để làm khô nhanh nền chuồng, đồng thời làm mát tiểu khí hậu chuồng nuôi.
Dinh dưỡng: Cho bò ăn khẩu phần thức ăn tổng hợp để hạn chế việc chuyển đột ngột từ thức ăn thô sang thức ăn tinh, làm tăng lượng acid lactic ngấm vào máu gây độc là một nguyên nhân gây ra bệnh đau móng trên bò.
Khẩu phần ăn của bò sữa cần phải đầy đủ canxi để bộ xương vững chắc. Bên cạnh đó, cần bổ sung vào thức ăn các loại Vitamin B3, A, C, H và kẽm để làm tăng độ bền chắc của móng chân và lớp da xung quanh móng. Ngoài ra, bổ sung thêm Mangan (Mn) có tác dụng giảm sự yếu chân.
Vệ sinh: Định kỳ 7 – 10 ngày/lần vệ sinh chuồng trại bằng các chất sát trùng hoặc bằng vôi bột. Hàng năm phải gọt móng cho bò. Các trang trại lớn cần xây thêm hố ngâm chân có chứa dung dịch CuSO4 giúp sát trùng chân móng và làm cho móng bò bền chắc hơn.
Trị bệnh
Khi phát hiện thấy móng chân bị viêm cần tiến hành gọt móng cho bò. Gọt sạch chỗ bị viêm, nạo hết tổ chức bị hoại tử, đáy móng cắt gọt thật bằng phẳng để không còn lồi lõm, sau đó bôi cồn lốt 5% lên chỗ bị bệnh. Sau đó cho bò mang guốc để tránh bị phân nhét vào. Nếu không có guốc, nhốt bò bệnh ở một chỗ riêng, lót rơm khô và thay rơm thường xuyên.
Trong giai đoạn này, cần đảm bảo chuồng nuôi phải sạch sẽ, không để tích tụ phân, nước tiểu trên nền chuồng. Trong trường hợp bệnh nặng, bò có biểu hiện triệu chứng toàn thân như sốt, bỏ ăn thì chúng ta cần phải điều trị toàn thân bằng tiêm kháng sinh (pen-strep, lincomycin, gentamycin) kết hợp thuốc giảm đau (analgine), giảm viêm (dexa). Đồng thời ngâm móng chân bò trong dung dịch CuSO4 5% mỗi ngày khoảng 5 – 10 phút.
Trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và nuôi nhốt, khả năng bò nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Theo thống kê của một số bang ở Mỹ cho thấy, bệnh viêm móng gây thiệt hại kinh tế 20% trong khi bệnh viêm vú chỉ khoảng 16,5%.

Theo Lê Loan (nguoichanuoi.vn)